Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Lấy Công hay Thủ làm Trọng?

  Trong Kungfu nói chung, khi đạt một trình độ nào đó cho dù cao hay thấp thì trong suốt quá trình tập luyện và ứng dụng người ta đều mong muốn đạt được hiệu quả trong Công, Thủ, Phản, Biến. Vậy yếu lý của vấn đề này là gì?
  Hiểu một cách đơn giản ở đây Công là sự tấn công, cách thức, áp đặt vv..đến đối thủ mà chưa xét tới công là công pháp, khí lực,...Thủ là từ ngữ chỉ sự phòng thủ. Phản là phá hay làm ngược lại ý định, hành động của đối thủ. Biến là sự chuyển đổi, linh hoạt trong từng cách thức hay thời điểm sử dụng hành động, ý nghĩ của mình. Thường thì Công-Thủ-Phản dễ luyện thành hơn. Biến là một bậc cao hơn và khó đạt hơn trong võ thuật...thậm chí đây còn là một mỹ từ để khoe tuổi nghề trong cuộc.
   Một đệ tử Vịnh Xuân Quyền ở giai đoạn đầu của Vịnh Xuân luôn tập luyện bó hẹp trong khuôn hình và động tác, thế tấn cố định hoặc ít khi xoay chuyển. Rõ ràng thủ pháp là trọng yếu để luyện tập ở đây. Tập thủ pháp trước trong thế tấn Kiềm Dương đã là sự bức bách, o ép...để môn sinh phát huy cao nhất nội lực, năng khiếu, phản xạ, sự ứng dụng của đôi tay khi bị dồn ép trong đường cùng. Một khởi đầu cho việc "tâm ứng thủ", như vậy có thể nói lấy thủ "bù" công ở giai đoạn này là thích hợp. Vậy Thủ-Công-Phản-Biến có hợp lý chăng? hay còn phải đảo thứ tự các chữ này? Câu trả lời của các bậc sự phụ thường rằng hãy cứ tập luyện đi rồi sẽ vỡ ra vấn đề, lúc đó đặt câu hỏi vẫn chưa muộn. Đó là lý do thủ pháp bắt buộc phải luyện tập trước tiên, thời gian tập có thể lâu dài khiến nhiều người cho rằng Vịnh Xuân Quyền chỉ có "đôi tay đáng nể" mà không có sự linh hoạt trong Bộ Mã và Cước pháp khi tập luyện hoặc chiến đấu.

Tập luyện và Kỹ thuật ứng dụng

   Một đệ tử Vịnh Xuân Quyền từ khi nhập môn đến hết giai đoạn tập Tiểu Niệm Đầu, ở giai đoạn này phần lớn môn sinh làm quen với thủ pháp và luyện tập trong Kiềm Dương Mã...Các khuôn hình, kỹ thuật được gọi là chuẩn mực đều bắt đầu từ giai đoạn này, nó gần như là bắt buộc với môn sinh sau khi nhập môn. Các kỹ thuật khác được học và tập luyện theo từng cấp độ. Kết quả phụ thuộc vào sự học và năng khiếu của mỗi môn sinh. Khởi đầu các môn sinh làm quen với Than thủ trước để hiểu Trung môn...ngày nay có thể tập các kỹ thuật khác trước như Phách thủ, Phản thủ, ...nhằm bổ trợ sâu cho khái niệm Trung môn, ứng dụng trong cả công và thủ. Vì sao không hẳn là Than thủ trước mà có sự linh hoạt như thế? Tất cả vì yêu cầu phòng thủ và phản công, môn sinh sau khi tập dự bị là "quay tay" hay "tháo lỏng, "làm mềm" các khớp của tay sẽ làm quen với bộ thủ pháp liên hoàn Canh-Quát, Phách-Lan, Hạ Bàng-Cổn...các bộ liên hoàn này giúp môn sinh tận dụng lực quán tính, đè..hay phá Kiều đối phương với nguyên tắc giảm thiểu nỗ lực, thính Kiều tiên phong, đoản Kiểu thích dụng...và tất nhiên Hộ thủ là một dự phòng cho cả công và thủ khi kết hợp. Các khái niệm này có vẻ trừu tượng nhưng khi thành thục ngay giai đoạn này môn sinh đã có thể bịt mắt tập thính Kiều. Khi đã vững thì việc thêm Than thủ trở nên dễ dàng khi tập và có ứng dụng phối hợp rõ ràng hiệu quả.
  Khi đã nắm chắc yếu lý các vấn đề trên thì hứng thú và sự tự tin sẽ nâng lên trong mỗi môn sinh. Các bộ liên hoàn này tác chiến ngay trong lúc tập luyện với đối tác...và đối tác sẽ "hỏi thăm" ngay các kỹ thuật của bạn có chuẩn mực hay không. Không chuẩn mực ứng dụng sẽ không linh hoạt, tùy tiện, thiếu bổ trợ và không triển khai thêm chiêu thức mới được. Do đó không ít các môn sinh lại phải quay lại ôn kỹ thuật cơ bản cho đến khi thành thục mới đem sử dụng. Đây là một giai đoạn không dễ dàng sau thời gian đầu làm quen và tập lỏng mềm các môn sinh sẽ cảm thấy nhàm chán, bế tắc, nhìn nhận sự tập luyện một cách tiêu cực...và bỏ tập vì không hiểu được đó là tiếp cận thính Kiều hay đoản Kiều thích dụng, thính Kình.... Đó thực sự là điều đáng tiếc, âu cũng là cái duyên với Vịnh Xuân Quyền chỉ có vậy. Bỏ qua các nghi thức nhập môn xưa, rõ ràng thời gian đầu sau nhập môn là thước đo niềm tin, sự yêu thích và lòng kiên trì của mỗi môn sinh.
   Làm lỏng mềm các khớp tay giúp thính Kiều, thính Kình tốt hơn tuy bước này chưa hẳn đã là Lục thủ - sự kết hợp đa thủ pháp trong một, nhiều vòng quay...một cách gián tiếp để hiểu dùng "đường tròn" hóa Kình, trước khi mở ra giai đoạn Biến sau này trong "chuỗi Công-Thủ-Phản-Biến".